Di truyền
Hầu hết trẻ em từ 1 tuổi đến khi dậy thì đều sẽ tăng khoảng 5cm chiều cao/năm. Bước vào tuổi dậy thì, trẻ có thể phát triển đến 20cm/năm. Tuy nhiên, tốc độ phát triển chiều cao mỗi người thực chất sẽ khác nhau và tốc độ nhanh chậm này sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có chiều cao của bố mẹ - tức yếu tố di truyền. Để tính chiều cao trung bình theo gen di truyền, bạn có thể tính theo công thức sau:
-
Chiều cao con trai = ((Chiều cao mẹ + 15cm) + Chiều cao bố)/2
-
Chiều cao con gái = ((Chiều cao bố – 15cm) + Chiều cao mẹ)/2
Chiều cao của trẻ khi trưởng thành chịu ảnh hưởng bởi chiều cao cha mẹ
(Nguồn ảnh: Internet)
Bố mẹ dù có chiều cao khiêm tốn cũng không cần quá lo lắng về chiều cao con cái sau này. Bởi nếu được bổ sung dinh dưỡng đúng cách, trẻ sống trong môi trường lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể thao (đặc biệt giai đoạn dậy thì) thì vẫn có thể cải thiện chiều cao.
Dinh dưỡng
Thai nhi
Nếu trẻ sinh đủ tháng nhưng cân nặng lúc mới sinh dưới 2,5kg thì rất có khả năng bị suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ (còn gọi là suy dinh dưỡng bào thai). Suy dinh dưỡng bào thai chia thành 3 mức độ:
-
Nhẹ: Chiều dài bình thường và cân nặng chỉ giảm ít so với trẻ có cân nặng và tuổi thai tương ứng.
-
Trung bình: Chiều dài và cân nặng giảm nhưng vòng đầu bình thường.
-
Nặng: Vòng đầu, chiều dài và cân nặng đều giảm.
Chế độ ăn uống của người mẹ có tác động rất lớn đến sức khỏe thai nhi
(Nguồn ảnh: Internet)
Không chỉ khiến trẻ bị còi cọc từ trong bụng mẹ, suy dinh dưỡng bào thai còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất của trẻ sau này, ví dụ như thấp còi, nhẹ cân, não chậm phát triển, không nhanh nhẹn như các trẻ khác...
Quá trình phát triển
Đối với trẻ nhỏ khi bước vào giai đoạn tiểu học, bạn cần đáp ứng cho trẻ nhu cầu dinh dưỡng như sau:
-
Ăn đủ 3 bữa chính (sáng – trưa – chiều) gồm 4 nhóm thực phẩm gồm tinh bột, chất béo, chất đạm và vitamin, chất xơ.
-
Ăn thêm bữa phụ với bánh bông lan, khoai, chè… và ưu tiên uống sữa.
-
Bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa, cua, tôm, cá nhỏ nguyên xương…
-
Ăn thực phẩm giàu lysine (loại acid amin góp phần tăng trưởng chiều cao) như thịt, cá, trứng…
Lý do là bổ sung dưỡng chất trong quá trình phát triển sẽ giúp tăng trưởng toàn diện về thể chất, trong đó không thể không kể đến chiều cao.
Thói quen vận động
Bác sĩ Trần Khánh Vân - Phó trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết “Vận động đúng cách sẽ giúp trẻ ăn ngon, ngủ sâu, tăng cân, kích thích sự phát triển tế bào xương, tăng chiều dài của xương, từ đó đạt chiều cao tối đa, cải thiện nhược điểm gen di truyền”.
Thực tế cho thấy, lười vận động là nguyên nhân chính gây ra tình trạng thừa cân, béo phì. Ban đầu, tình trạng tăng nhanh về cả cân nặng và chiều cao của trẻ khiến phụ huynh lầm tưởng trẻ chỉ đang phát triển nhanh, không có gì đáng ngại. Tuy nhiên, trẻ phát triển nhanh về cả chiều cao lẫn cân nặng thường ngừng phát triển chiều cao sớm, dẫn đến hậu quả là vào những năm tiếp theo, cân nặng và chiều cao của trẻ bắt đầu bất hợp lý, dẫn đến mức béo phì.
Vận động đúng cách giúp kích thích phát triển tế bào xương (Nguồn ảnh: Internet)
Một trong những nguyên nhân khác khiến trẻ lười vận động đó là xương không đủ chắc khỏe do thiếu canxi. Khẩu phần ăn thiếu vitamin D và K2 sẽ làm giảm hấp thụ canxi, gây tình trạng đau xương ở độ tuổi tiền dậy thì, khiến trẻ lười vận động. Kết quả là không thể phát triển tối đa chiều cao ở tuổi dậy thì.
Giới tính
Vào giai đoạn dậy thì, tốc độ tăng trưởng chiều cao sẽ đạt đỉnh khi trẻ có thể tăng khoảng 10 - 15cm/năm, rồi giảm dần sau đó. Ở giai đoạn 10 tuổi, mỗi năm bé gái sẽ tăng 10cm chiều cao và tăng dần cho đến khi đạt ngưỡng 15cm/năm lúc 12 tuổi. Còn đỉnh tốc độ phát triển của trẻ nam là 12 tuổi (10cm/năm) và đạt ngưỡng 15cm/năm vào năm 14 tuổi. Giai đoạn phát triển chiều cao mạnh nhất của nữ giới là 8 - 17 tuổi, quyết định hơn 20% chiều cao trung bình người trưởng thành, còn nam giới sẽ giảm dần tốc độ tăng chiều cao sau 17 tuổi.
Hầu hết nam giới có chiều cao tốt hơn nữ giới (Nguồn ảnh: Internet)
Dậy thì sớm
Dậy thì sớm xảy ra khi bé gái dậy thì trước 8 tuổi và bé trai trước 9 tuổi. Dậy thì sớm dẫn tới hiện tượng tiết ra hormone kích hoạt sự phát triển xương, khiến trẻ em cao lên rất nhanh. Tuy nhiên, sau đó các đầu xương mau chóng đóng lại, khiến trẻ khó cao hơn thêm, dẫn tới tình trạng trẻ dậy thì sớm bị thấp hơn các bạn cùng lứa và không thể đạt chiều cao mà gen di truyền quyết định.
Dậy thì sớm khiến trẻ dễ bị thấp bé hơn bạn bè cùng lứa (Nguồn ảnh: Internet)
Béo phì
Trẻ thừa cân, béo phì thường cao to hơn so với tuổi nhưng khi bước vào giai đoạn dậy thì, chiều cao sẽ ngừng phát triển và trẻ có xu hướng thấp hơn bạn bè cùng tuổi. Cùng với đó là tâm lý “sợ mập”, muốn giảm cân nhanh ở tuổi mới lớn nên trẻ có xu hướng ăn uống kiêng khem, dẫn đến thiếu chất, gây cản trở phát triển chiều cao và thể lực sau này.
Béo phì gây hạn chế tăng trưởng chiều cao (Nguồn ảnh: Internet)
Chính vì vậy, bố mẹ cần nắm bắt các giai đoạn phát triển của trẻ để có chế độ dinh dưỡng thích hợp nhất. Ba giai đoạn cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao là giai đoạn bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn dậy thì. Bố mẹ cần quan tâm đến chế độ ăn uống của trẻ để tránh tình trạng béo phì, khiến trẻ không thể phát triển chiều cao như mong đợi.
Giấc ngủ
Quá trình bài tiết hormone sinh trưởng có liên quan mật thiết tới giấc ngủ. Khi trẻ ngủ sâu hơn 1 tiếng, cơ thể mới bắt đầu tiết hormone sinh trưởng rõ rệt. Chính lượng hormone này là nhân tố quan trọng giúp trẻ phát triển chiều cao khi ngủ. Do đó, bố mẹ đừng nên để con cái thức khuya nhằm giúp trẻ ngủ đủ và có chất lượng giấc ngủ tốt nhất.
Chất lượng giấc ngủ góp phần quyết định chiều cao của trẻ (Nguồn ảnh: Internet)
Ngoài ra, chiều cao còn chịu ảnh hưởng của tư thế ngủ ban đêm. Ngủ đúng tư thế sẽ giúp hạn chế tình trạng gây sức ép, áp lực lên xương và sụn, từ đó giúp xương không bị cản trở trong quá trình tăng trưởng lúc ngủ.
Hormone tăng trưởng
Hormone tăng trưởng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, có tên là growth hormone (gọi tắt là GH). Hormone này do thùy trước tuyến yên tiết ra và ảnh hưởng đến đa phần các mô trong cơ thể người. Quá trình sản sinh hormone tăng trưởng do cơ thể tự điều hòa theo nhịp sinh học, phù hợp với các giai đoạn phát triển của cơ thể người.
Hormone tăng trưởng chiều cao có tên growth hormone (Nguồn ảnh: Internet)
Loại hormone tăng trưởng này góp phần kích thích tăng trưởng cho tế bào về kích thước và quá trình phân bào, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất như tăng phân giải mô mỡ để giải phóng năng lượng, tăng tổng hợp protein tế bào, đồng thời tác động gián tiếp đến mô sụn và xương. Chính quá trình tác động gián tiếp này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao do có liên quan đến sụn và xương.
Môi trường sống
Môi trường sống có tác động đến sự tăng trưởng chiều cao. Trong một xã hội công nghiệp hóa - hiện đại hóa, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, trẻ hút thuốc thụ động… đều gây ảnh hưởng đến sự phát triển tiềm năng về chiều cao của trẻ.
Hút thuốc lá thụ động đem lại nhiều tác hại khôn lường đối với sức khỏe của trẻ
(Nguồn ảnh: Internet)
Trên đây là những thông tin về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao con người. Nếu bạn có con nhỏ hoặc trẻ đang trong lứa tuổi dậy thì thì nên hết sức lưu ý tránh xa các nguyên nhân trên để trẻ có thể phát triển chiều cao tối đa trong tương lai.