Hormone tăng trưởng và chiều cao

 

Trong hành trình tìm kiếm chiều cao lý tưởng, chắc chắn ai cũng muốn khám phá những phương pháp khoa học và hiệu quả nhất. Một trong những yếu tố quan trọng đó chính là cơ chế hoạt động của hormone tăng trưởng và quá trình phát triển của xương. Bằng việc hiểu rõ hơn về chúng, chúng ta có thể áp dụng những biện pháp đúng đắn để tối ưu hóa quá trình tăng trưởng chiều cao. Điều này không chỉ là vấn đề của những người đang trong độ tuổi phát triển, mà còn là mối quan tâm của nhiều người trưởng thành. Vậy, hãy cùng tìm hiểu và khám phá cách thức để đạt được chiều cao mong muốn một cách khoa học và hiệu quả.

I. Hormone tăng trưởng (GH) là gì?

Hormone tăng trưởng về bản chất là một protein, do tuyến yên tiết ra. Nó tham gia kiểm soát một số quá trình sinh lý phức tạp, bao gồm tăng trưởng và chuyển hóa. Hormone tăng trưởng cũng được quan tâm đáng kể như là một loại thuốc được sử dụng trên cả người và động vật.

Hormone tăng trưởng có vai trò kích thích tăng trưởng của tế bào (cả tăng về kích thước và kích thích quá trình phân bào). Đồng thời hormone tăng trưởng cũng làm tăng quá trình trao đổi chất: tăng cường tổng hợp protein ở tất cả mọi loại tế bào, tăng quá trình phân giải mô mỡ để giải phóng năng lượng, tăng chuyển hóa đường. Bởi vì làm tăng tổng hợp protein nên làm tăng khối lượng cơ, tăng kích thước các phủ tạng, từ đó cơ thể lớn lên.

GH thường được giải phóng vào máu từng đợt (pules) trong suốt cả ngày và đêm với các mức độ cao nhất (peaks) xảy ra chủ yếu vào ban đêm. Sự tiết hormone GH cao nhất là tuổi dậy thì, sau đó giảm dần theo thời gian.

Sự tiết hormone GH cao nhất là tuổi dậy thì, sau đó giảm dần theo thời gian

Sự tiết hormone GH cao nhất là tuổi dậy thì, sau đó giảm dần theo thời gian

II. Vai trò của hormon tăng trưởng với chiều cao?

Nghiên cứu cho thấy GH không trực tiếp tác động lên xương và sụn, mà thay vào đó kích thích gan sản xuất một số protein có kích thước nhỏ gọi là các somatomedin (IGF-1) có tác dụng kích thích mô xương và sụn phát triển.

Một số somatomedin có tác dụng tăng cường quá trình lắng đọng chondroitin sulfate và collagen (những yếu tố cần thiết cho quá trình hình thành và phát triển của xương và sụn). Các somatomedin có tác động tương tự nhau nhưng có thể chỉ khác nhau về mức độ kích thích.

tác động của hormone tăng trưởng

Tác động của hormone tăng trưởng

Ở người sụn tăng trưởng đã cốt hóa, GH đóng vai trò trong việc điều hòa mật độ xương, khối lượng cơ, chuyển hóa glucose và lipid.

Như vậy, hormone tăng trưởng làm tăng chiều cao thông qua cơ chế gián tiếp, và chúng ta thấy rằng gan cũng có vai trò quan trọng với chiều cao.

Cơ chế của quá trình này như sau: Khi được kích thích (từ vùng dưới đồi trong não) tuyến yên tiết GH. GH theo dòng máu đến các mô và gan. Tại gan GH kích thích tế bào gan tiết IGF-1. IGF -1 sẽ đi tới xương, sụn, cơ, kích thích các cơ quan này tăng sinh. Các xương dài (xương đùi, cẳng chân) ở trẻ em và thanh thiếu niên có đĩa tăng trường (hay còn gọi là sụn tiếp hợp) ở gần đầu xương.

Phần xương gần sụn thương xốp, nhiều mạch máu. Dưới tác động của IGF-1, các tế bào tạo xương (tạo cốt bào) và nguyên bào sụn phân chia, đồng thời Canxi ngấm vào các tế bào sụn, làm cho xương mới tạo vững chắc hơn.

Để dễ hình dung, coi quá trình tăng trưởng (cả chiều cao và khối lượng xương) giống như xây 1 tòa nhà cao tầng. GH đóng vai trò chủ đầu tư, IGF-1 sẽ là đốc công. Tế bào tạo xương và nguyên bào sụn là những thợ xây.

Nguyên vật liệu của quá trình gồm Canxi-photpho –Magie – Collagen (hỗn hợp bê tông cốt thép). Vitamin D và K2 giúp khai thác nguyên liệu (Canxi) và vận chuyển đến công trường. Để tòa nhà cao lên, cần xây cột trụ cao lên trước (xương), và phải để cho phần dưới cứng chắc trước khi xây tiếp.

Tăng trưởng không chỉ có xương dài ra, mà còn kéo theo sự phát triển da, cơ. Hormone tăng trưởng cũng kích thích tổng hợp protein cho các cấu trúc này.

Một đứa trẻ bị chấn thương ảnh hưởng xương khớp  từ nhỏ, lớn lên có ảnh hưởng chiều cao không?

Xương trẻ em có đặc điểm là mềm dẻo, khi bị gãy rất dễ liền và liền nhanh hơn người lớn. Nếu vị trí gãy ở phần xương đã cốt hóa (thân xương) thì hầu như không ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ sau này. Còn nếu vị trí gãy ở sụn tiếp hợp (sụn tăng trưởng) thì có khả năng ảnh hưởng.

Như đã trình bày, sụn tiếp hợp có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển chiều dài xương, đặc biệt là ở trẻ em. Nếu như chấn thương gây gãy xương đúng vị trí sụn tiếp hợp mà không được điều trị cẩn thận thì có thể chậm liền xương.

Các nghiên cứu cho thấy gãy sụn tiếp hợp xảy ra ở 20% trường hợp. Đáng chú ý hơn cả là gãy đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày (ở cẳng chân), do phải chịu lực nén nên có thể gây di chứng ngừng tăng trưởng, gập góc, biến dạng chi (chiếm khoảng 24% các trường hợp gãy sụn tiếp hợp).

Các kiểu gãy sụn tiếp hợp

Các kiểu gãy sụn tiếp hợp

III. Nói chiều cao của trẻ 90% chỉ diễn ra trong giấc ngủ có đúng không?

Hormone tăng trưởng được tiết theo dạng xung, nhiều nhất vào ban đêm. Các chuyên gia ước tính rằng, khoảng 75% hormone tăng trưởng của con người được tiết ra trong thời gian ngủ. Ở người bình thường, giai đoạn tiết GH chủ yếu xảy ra trong thời gian đầu giai đoạn 3 của giấc ngủ, tức là khoảng một giờ sau khi bạn ngủ thiếp đi.

Giai đoạn 3, còn được gọi là giấc ngủ sâu (hoặc giấc ngủ sóng chậm), chiếm khoảng 1/4 mỗi giấc ngủ mỗi tối. Giấc ngủ sâu là giai đoạn phục hồi tốt nhất trong tất cả các giai đoạn của giấc ngủ. Trong giai đoạn này, GH được giải phóng và hoạt động để phục hồi và xây dựng lại cơ thể và cơ bắp khỏi những căng thẳng trong ngày.

hormone-tang-truong-va-chieu-cao

Qúa trình tiết GH trong lúc ngủ

Ngoài ra, vào ban đêm, melatonin – một hormone được tuyến tùng tiết ra điều hòa chu kì thức-ngủ. Melatonin cũng có tác dụng kích thích tuyến yên tiết hormone tăng trưởng.

Vậy thì, còn khoảng 25% hormone tăng trưởng được tiết ra khi thức. Các hoạt động thể dục thể thao chính là cách kích thích tiết hormone tăng trưởng lúc này.

Câu phát biểu “ chiều cao của trẻ 90% diễn ra trong giấc ngủ” xuất phát từ một nghiên cứu sự phát triển xương cừu của các nhà khoa học Đại học Wisconsin, Hoa Kỳ. Trong đó 90 % xương cừu phát triển dài ra khi chúng ngủ hoặc nằm nghỉ. Điều thực sự thú vị là hầu như không có sự tăng trưởng nào xảy ra khi những con cừu đang đứng hoặc di chuyển xung quanh.

Các nhà nghiên cứu tin rằng khi động vật được nghỉ ngơi, áp lực lên xương liên quan đến sự phát triển - các đĩa sụn tăng trưởng - được làm dịu, cho phép chúng phát triển dài ra. Ngược lại, khi đứng và di chuyển, chúng chịu trọng lực và bị nén lại.

Các nhà khoa học của Đại học Wisconsin tin rằng điều này cũng đúng ở con người, và quan điểm cho rằng “trẻ em lớn lên trong khi ngủ” có lẽ là đúng, theo các nhà nghiên cứu Mỹ. Kết quả nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Chỉnh hình Nhi khoa.

IV. Các yếu tố kích thích và ức chế hormone tăng trưởng

Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự tiết GH, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, chế độ ăn uống, tập thể dục, căng thẳng và các hormone khác . Trẻ vị thành niên tiết ra GH khoảng 700 μg / ngày, trong khi người lớn khỏe mạnh tiết ra GH khoảng 400 μg / ngày.

Yếu tố kích thích sự tiết hormone tăng trưởng (GH) bao gồm:

  • GHRH (somatocrinin) thông qua gắn kết với thụ thể hoocmon phóng thích hormon tăng trưởng (GHRHR)
  • Hormone giới tính (androgen, estrogen)
  • Hạ đường huyết, arginine và propranolol bằng cách ức chế sự phóng thích somatostatin.
  • Ngủ sâu
  • Niacin như acid nicotinic (Vitamin B3)
  • Nhịn đói
  • Tập thể dục

Các chất ức chế tiết GH bao gồm:

  • GHIH (somatostatin) từ vùng dưới đồi
  • Nồng độ tuần hoàn của GH và IGF-1 (phản hồi âm trên tuyến yên và vùng dưới đồi)
  • Tăng đường huyết
  • Thuốc Corticoid
  • Dihydrotestosterone 

 V. Kết luận

Hiểu được cơ chế tác động của hormone tăng trưởng và quá trình phát triển của xương, chúng ta sẽ có những biện pháp giúp tăng trưởng chiều cao khoa học và hiệu quả như:

  • Ngủ đủ giấc, ngủ đúng giờ
  • Chế độ ăn: cung cấp đầy đủ nguyên liệu cho quá trình tạo xương: Canxi, Collagen type 2, magie, phospho, vitamin D, vitamin K2.
  • Thể dục thể thao: Yoga, chạy, xe đạp, bơi…
  • Tránh dùng thuốc corticoid.

BS. Phạm Minh Tiến 

(Bệnh viện ĐH Y Dược - TP.HCM)

Xem thêm: https://www.tangchieucao.net/thuc-pham-chuc-nang-tang-chieu-cao-co-hieu-qua-hay-khong

avatar

Bài viết của

Lan Hương

CHIA SẺ